Cảm ơn và xin lỗi, bạn có thói quen đó không? & 02 câu chuyện truyền cảm hứng khiến bạn biết ơn cuộc đời

Khánh Nguyễn
1 min read Phút Đọc

Những câu chuyện về lời cám ơn và xin lỗi chẳng bao giờ là thừa, để nhắc đến trong cuộc sống xô bồ như thế này, dù không phải ai cũng hiểu, hoặc hiểu nhưng cho qua. Có những điều tưởng như nhỏ nhặt nhất, nhưng lại có ý nghĩa quan trọng thế nào trong cuộc sống này.

Càng ngày tôi càng ít nghe thấy người ta, nhất là những người trẻ tuổi, nói “Cám ơn” và “Xin lỗi” với nhau. Những lời xin lỗi càng ngày càng thiếu đi trong cuộc sống xã hội (Bạn có nhớ bài “Hard to say I’m sorry” của ban nhạc Chicago, hay “Sorry seems to be the hardest word” của Elton John không?), thì những lời cảm ơn hầu như không tồn tại, trong khi sự lịch thiệp, khiêm tốn, biết ơn và biết lỗi phải là một phần quan trọng, trong cuộc sống thường nhật của chúng ta. Đã bao giờ bạn tự hỏi mình thật sự nói những câu đó bao nhiêu lần trong một ngày, và nếu có nói, thì đã bao giờ chúng ta nói những điều đó một cách thực lòng? Và từ những lời nói đó, đi xa hơn, là những hành động để xin lỗi và cám ơn? Thế đấy, chúng ta đã mất đi thói quen nói hai từ đó. Nhưng những ai có thể nói được hai từ đó lại có những người chỉ biết nói đúng những từ ấy, và không biết làm gì để thể hiện những điều mà họ mới nói từ trong tâm của mình.
Nuoi-duong-long-biet-on
Nhiều người nói với tôi, rằng nói những điều đó ra là một sự khách khí và đôi khi, giả tạo và ai cũng "ngài ngại". Cái chính là thực lòng. Ừ, thì một phần sự thừa nhận ấy là đúng. Nhưng tại sao con người ta không thể sống xã giao với nhau, trong khi điều đó chẳng có gì là giả dối, tại sao chúng ta không thể biết nói lời cảm ơn một ai đó, và nhận lỗi một ai đó, chỉ vì điều đó là nhỏ nhặt nhất. Trong khi một cái thùng rác vô tri vô giác, vẫn có dòng chữ “Cảm ơn đã bỏ rác vào tôi”? Tôi vẫn tin là những ai đã không biết cảm ơn và xin lỗi vì những điều nhỏ nhặt nhất, sẽ không thể làm được những điều vĩ đại nhất.

Cuộc sống công nghiệp hiện tại đã làm con người ta thay đổi quá nhiều, và trong bản tính của mỗi người, không phải lúc nào cũng biết đến hai từ cám ơn và xin lỗi. Nhưng có bao giờ ai đặt ra câu hỏi: cuộc sống Phương Tây còn nhanh gấp bội chúng ta, tại sao họ vẫn có thể nói được những điều ấy, và chả lẽ họ luôn ngượng và coi chuyện nói điều đó ra là giả dối như chúng ta vẫn nghĩ? Vấn đề là lối sống và giáo dục, mà hình như từ lâu, người ta đã dậy con trẻ những điều này một cách máy móc và giáo điều trong những cuốn “Giáo dục công dân”, mà những tiết học “Giáo dục công dân” lại được những người có trách nhiệm biến thành những giờ học buồn tẻ.
pexels-freestocksorg-867462-scaled
Thêm những chi tiết nữa: bây giờ người ta cũng không biết xếp hàng, không có ý thức xếp hàng, và lúc nào trong đầu hầu như tất cả cũng có một suy nghĩ ích kỷ cho riêng mình, và không cần biết đến bất cứ ai khác. Xã hội có những quy định bất thành văn (“First come, first serve - Ai đến trước dùng trước), và thành văn (“Queue by law” - Xếp hàng), nhưng đó không phải là xã hội mà chúng ta đang sống. Người ta chen ngang và húych nhau ở khắp mọi nơi, trong những chỗ đổ xăng, trên đường xá, trong trường học, trên cầu thang, ở các thang máy. Và người ta vượt đèn đỏ ở mọi ngã tư, vượt đường sắt lúc chắn tàu đang đóng với một sự vội vã thật đáng trách, trong khi sự vội vã, hối hả và đầy hăng say như khi vượt đèn đỏ ấy, đáng lẽ cần phải được thể hiện trong công việc và trong cuộc sống.

Thế nên, bây giờ, tôi hay cảm thấy vừa ngạc nhiên vừa xúc động, khi có một ai đó đi cùng chiều với mình nói với sang “Anh quên gạt chân chống xe máy kìa”. Ít ra, vẫn còn có những người biết quan tâm đến những người khác. Và những câu nói tưởng như rất đơn giản ấy, đôi khi lại là những món quà nhỏ nhưng rất có ý nghĩa trong cuộc sống này. (Theo blog BLV Anh Ngọc)

Đôi khi, trong cuộc sống, có những thực tế không mấy dễ chịu và không như mong đợi, nhưng chúng ta buộc phải chấp nhận chúng để cuộc sống nhẹ nhàng và tự tại hơn.

Vị khách tốt bụng

Một du khách nhìn thấy một cụ bà đang đứng bên bờ một dòng suối lênh láng nước sau một trận mưa lớn. Trông bà có vẻ rất lo lắng và bất đắc dĩ phải băng qua nó.

Người khách du lịch tiến lại gần và hỏi bà lão:

“Bà ơi, bà có muốn con cõng bà vượt suối không?”

Bà lão rất ngạc nhiên và lẳng lặng gật đầu đồng ý. Anh cõng bà băng qua suối và anh dần đuối sức. Sau khi sang bờ bên kia, bà lão vội vội vàng vàng rời đi mà không nói lời cảm ơn nào. Vị du khách đang rã rời vì đuối sức kia có chút hối tiếc vì giúp đỡ bà lão ấy. Anh không mong cầu bà báo đáp, nhưng nghĩ rằng chí ít thì bà cũng nên nói với anh đôi lời bày tỏ sự cảm kích.

Vài giờ sau, du khách này đi tới vùng núi. Đó là một hành trình đầy gian nan với anh, chân của anh bị côn trùng cắn sưng tấy. Lát sau, trên đường đi, có một thanh niên bắt kịp theo anh và nói:

“Cảm ơn anh đã giúp bà tôi. Bà bảo anh sẽ cần những thứ này và muốn tôi mang chúng đến cho anh.”

Nói đoạn, cậu ấy lấy ra một ít thức ăn và thuốc men trong túi ra. Hơn nữa anh còn dắt thêm một con lừa và giao nó cho du khách tốt bụng. Vị du khách không ngừng nói cảm ơn anh thanh niên.

Sau đó người thanh niên này nói tiếp:

“Bà của tôi không nói được, cho nên bà muốn tôi thay mặt bà cảm ơn anh!”

Họa sĩ trang trí nhà cửa

Một người phụ nữ nhờ anh họa sĩ thiết kế trang trí nhà cửa cho mình. Khi người họa sĩ đến, anh ấy gặp người chồng của người phụ nữ này. Anh ấy bị mù cả hai mắt và người họa sĩ cảm thấy buồn cho người chồng. Mặc dù vậy, anh ấy vẫn luôn vui vẻ thân thiện và lạc quan. Trong quãng thời gian làm việc, người họa sĩ đã trò chuyện sôi nổi vui vẻ với anh ấy suốt mấy ngày liền và dường như anh ấy không hề cảm thấy buồn đau về sự khiếm khuyết trên cơ thể của mình.

Sau khi hoàn thành công việc, người họa sĩ đã gửi hóa đơn cho nữ chủ nhân căn nhà. Người phụ nữ đã rất ngạc nhiên khi thấy một khoản giảm giá lớn hơn so với số tiền đã thỏa thuận ban đầu. Cô bối rối và hỏi anh họa sĩ:

“Vì sao anh giảm giá nhiều cho tôi đến như vậy?”

Người họa sĩ trả lời:

“Tôi thấy rất hạnh phúc khi được cùng trò chuyện với chồng chị. Anh ấy khiến tôi cảm nhận rằng hoàn cảnh của tôi còn rất tốt, vì vậy, tôi quyết định giảm giá một phần tiền trong hóa đơn này xem như là một lời cảm ơn đến anh ấy.”

Sự tôn trọng sâu sắc của người họa sĩ đối với chồng cô đã khiến cô cảm động rơi lệ. Mọi người đều cảm kích bởi sự rộng lượng của người họa sĩ chỉ còn một cánh tay này.

Bài học rút ra:

Có một số bài học sâu sắc có thể rút ra từ hai câu chuyện này:

  • Bạn không thể thay đổi cuộc đời của bạn, trừ phi bạn thay đổi quan điểm cuộc sống của mình.
  • Bạn không thể thay đổi hoàn cảnh, trừ phi bạn thay đổi tâm thái của mình.
  • Cho dù bạn không thể thay đổi được hoàn cảnh để thích nghi với cuộc sống của bạn, nhưng bạn có thể điều chỉnh lại thái độ để thích nghi với hoàn cảnh. Bởi chính thái độ sẽ là sức mạnh giúp bạn định hình cuộc sống của mình!
  • Hạnh phúc lớn nhất không có nghĩa là bạn phải có mọi thứ, mà nó đến từ việc bạn trải nghiệm sự cảm kích.
  • Tài sản quý giá nhất không phải là tiền mà chính là sức khỏe của bạn.
    Sự thoải mái không thể có được từ sự nắm giữ, mà nó có được nhờ sự buông bỏ.
  • Cho người khác nhiều hơn, bạn sẽ hạnh phúc hơn. (Theo trithucvn.org)
You've successfully subscribed to Life at IDTEK | Công ty Cổ phần IDTEK
Great! Next, complete checkout for full access to Life at IDTEK | Công ty Cổ phần IDTEK
Welcome back! You've successfully signed in
Success! Your account is fully activated, you now have access to all content.