Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp công nghệ & Be Like Bội

Đình Đình
1 min read Phút Đọc

5 cơ hội và 4 thách thức

Các chuyên gia và doanh nghiệp công nghệ trong khảo sát thực hiện tháng 6/2020 của Vietnam Report đã chỉ ra 5 cơ hội và 4 thách thức mà các doanh nghiệp công nghệ sẽ đối mặt trong giai đoạn “bình thường mới”.

Thứ nhất, kinh tế Việt Nam đang “thích ứng” với giai đoạn “bình thường mới”.

Kết quả khảo sát  chỉ ra rằng, có tới khoảng 63,2% doanh nghiệp công nghệ tin tưởng việc kinh tế Việt Nam thích ứng trong giai đoạn bình thường mới là cơ hội lớn để phát triển trong tương lai.

Thứ hai, làn sóng dịch chuyển của các tập đoàn công nghệ lớn từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á.

Căng thẳng chiến tranh thương mại - công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến Việt Nam nổi lên như một điểm đến đầy tiềm năng trong khu vực ASEAN. Khoảng cách về dòng vốn FDI vào Việt Nam và Trung Quốc càng thu hẹp, đặc biệt năm 2019, tỉ lệ nhà đầu tư chọn Việt Nam là 41% và Trung Quốc là 48%.

Từ khi dịch Covid-19 diễn ra, các nhà đầu tư nước ngoài thay vì chủ yếu đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo, bất động sản, bán buôn, bán lẻ… thì nay xu hướng đó đã dịch chuyển sang các lĩnh vực (i) công nghệ thông tin, công nghệ cao; (ii) thiết bị điện tử, phụ kiện; (iii) logistics, thương mại điện tử…

58,9% doanh nghiệp công nghệ nhận định sự dịch chuyển của các nhà sản xuất toàn cầu là cơ hội để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tích cực nâng cao sản xuất, cải tiến và nghiên cứu sản phẩm.

Thứ ba, Covid-19 đẩy nhanh công tác chuyển đổi số trên cả nước.

Đại dịch Covid-19 diễn ra, các sản phẩm công nghệ thông tin - viễn thông trở thành một trong những phương thức cứu cánh quan trọng hàng đầu trong công tác truy vết các ca bệnh, khắc phục những hạn chế trong thời gian giãn cách xã hội bằng những phần mềm học trực tuyến, thanh toán online...

Các doanh nghiệp trong mọi ngành nghề đều tăng cường áp dụng những mô hình mới dựa trên nền tảng dữ liệu và công nghệ số để tối ưu hoá vận hành cho doanh nghiệp, từ đó gia tăng năng suất, giảm chi phí.

Ngân hàng nhà nước đã trình lên Chính phủ cho phép thí điểm Mobile Money để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Hơn nữa, hành vi người tiêu dùng đang dần thay đổi theo hướng chi tiêu thanh toán không dùng tiền mặt tạo “cơ hội vàng” cho lĩnh vực kinh doanh trực tuyến nở rộ, trở thành mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.

Thứ tư, Quốc hội đã chính thức phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do EVFTA.

Cam kết không đánh thuế nhập khẩu đối với giao dịch điện tử giữa Việt Nam và EU sẽ làm tăng các dự án hạ tầng phục vụ cho sự phát triển thương mại điện tử, giúp hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường EU và ngược lại.

Bên cạnh đó, đối với dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng không có hạ tầng mạng, Việt Nam cho phép đối tác EU được lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài sau một thời gian quá độ. Việc mở cửa cho thị trường viễn thông đối với doanh nghiệp EU sẽ giúp các doanh nghiệp công nghệ thông tin - viễn thông Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh ngay trên sân nhà.

Thứ năm, thử nghiệm mạng 5G thành công, thị trường viễn thông “nóng” trở lại.

Thị trường viễn thông sẽ chứng kiến những cuộc đua của các nhà mạng trong việc nghiên cứu và triển khai các sản phẩm, dịch vụ 5G để chứng minh trình độ khoa học công nghệ của doanh nghiệp, đặc biệt khi dịch vụ 5G được thương mại hóa vào cuối năm 2020.

Sự xuất hiện của các smart home, smart city kéo theo nhu cầu sử dụng dịch vụ di động của người tiêu dùng Việt ngày càng tăng mạnh, điều này đã tạo thuận lợi cho các nhà sản xuất cung cấp thiết bị, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ viễn thông trong và ngoài nước có cơ hội hợp tác, hoàn thiện hóa hệ thống tự động, nâng cao áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI)…

Ngoài ra, xu hướng khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam ngày càng mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp truyền thống trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, bất động sản cũng đang chuyển mình sang các lĩnh vực liên quan đến chuyển đổi số và thương mại điện tử.

Bên cạnh những cơ hội nêu trên, ngành công nghệ thông tin - viễn thông Việt Nam vẫn được đánh giá là ngành công nghiệp non trẻ, kết quả khảo sát cung chỉ ra Top 4 khó khăn thách thức mà các doanh nghiệp công nghệ thông tin - viễn thông Việt Nam đang phải đối mặt. Đó là điều kiện nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ còn nhiều hạn chế, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, thị trường tiêu thụ rối loạn do chưa ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu, và thiếu chính sách, thể chế, quy định pháp luật hỗ trợ của Nhà nước.

Hãy như Bội

Tony có một cô bạn làm ở văn phòng thu mua một công ty thủy sản của Mỹ. Cô cho biết, các nhân viên quản lý đơn hàng XNK của Việt Nam rất thụ động, dù toàn tốt nghiệp ĐH ngoại thương, kinh tế, hay ngoại ngữ. Các bạn ấy học hành lý thuyết rất kinh, điều khoản Incoterms hay LC nào cũng biết, tiếng Anh thành thạo nhưng tư duy thực tế không có.


Có lần công ty cô đặt một món mới là cá ngừ ngâm nước muối đóng hộp. Cô mail qua một loạt các đối tác và so sánh thử khả năng bán hàng của của doanh nghiệp các nước. Cô gửi cho một công ty thuỷ sản Việt Nam đang là đối tác lớn, hôm sau, cô nhận được email trả lời “chúng tôi chỉ có cá ngừ ngâm dầu, không có sản phẩm cá ngừ ngâm muối. Cám ơn. Lê Văn Tèo”. Cô gửi vào 2-3 công ty thủy sản nữa, và bặt vô âm tín. Khi gọi điện lại hỏi, thì nhân viên tiếp tân kêu “chị cầm điện thoại để em hỏi ai nhận được email đó nha chụy. Sau 5 phút hỏi vang rền trong điện thoại, “Lan mày có đọc email gì của cái bà bên Mỹ đòi mua cá ngừ hem”, Lan nói “không có, mày hỏi con Tuyết đi”, rồi sau đó tiếng của Tuyết nói “tao có nhận, nhưng công ty mình làm gì có cá ngừ ngâm muối, nên tao không có trả lời”. Sau đó tiếp tân nói lại “dạ có chị, nhưng bên em không có sản phẩm đó, chị mua chỗ khác đi nha”, rồi vội vàng cúp máy, rủ cái Lan cái Tuyết ăn xoài chấm muối ớt bàn chuyện Hồ Ngọc Hà.

Cô cũng gửi nhu cầu trên sang một công ty Thái Lan. Chỉ 1h sau, cô nhận được 1 bức meo như sau “mặt hàng cá ngừ ngâm nước muối chúng tôi chưa sản xuất, nhưng chúng tôi muốn thử nghiệm. Bạn gửi quy cách, chúng tôi sẽ làm mẫu, nếu mẫu đạt, chúng tôi sẽ báo giá. Kob Khun. Kẹo La Thon”.

Cô cũng gửi qua một công ty ở Quảng Châu, chỉ sau 30 phút, email trả lời “Cám ơn đã hỏi hàng. Tôi vừa họp ngay với phòng kỹ thuật, họ xác nhận là làm được. Chúng tôi đã cho phòng thí nghiệm làm theo 3 công thức phổ biến trên mạng là 1% muối, 2% muối và 10% muối. Quý khách cho biết quy cách, chúng tôi sẽ gửi kết quả và báo giá vào cuối giờ chiều nay. Xie xie nị đã đọc meo. Lý Bội Bội”.

Đâu mấy giờ sau, trên website công ty Quảng Châu này lẫn trên mạng thương mại alibaba hiện ra danh mục sản phẩm mới của họ là cá ngừ ngâm nước muối đóng hộp, “cá ngừ ngâm đường, ngâm dấm, ngâm nước tương…”…đủ loại cả. Họ email, gọi điện sang Mỹ liên tục để ép mua…làm công ty Mỹ ấy sợ quá, phải bay qua ký hợp đồng độc quyền liền. Thậm chí nếu công ty Mỹ ấy ký với công ty Thái Lan, thì công ty Quảng Châu sẽ vẫn có thể nhận được đơn hàng từ các khách hàng khác, của nước khác. Cứ một hỏi hàng (inquiry) tới tay họ, thì không bao giờ thoát ra được. Thậm chí họ còn nhân lên hàng chục inquiry khác, họ tạo ra nhu cầu để bán hàng (create demand) của nhân viên bán hàng thông minh, giỏi giang, lanh lợi. Cứ thế, doanh nghiệp cứ càng ngày càng nhiều đơn hàng, nhiều mặt hàng mới, nhân viên ngày càng đông, nhà xưởng càng mở rộng ra, doanh số càng tăng cao, lương bổng cũng tăng theo ào ào theo cấp số bội. Vì toàn nhân viên như Lý Bội Bội cả.

Ngày nay, năng suất lao động không chỉ là sức khoẻ cơ bắp mà còn là tốc độ và sự nhanh nhẹn, sáng tạo của tư duy. DN thuê một người Singapore, lương mấy ngàn / tháng nhưng yên tâm vì tiền nào của đó. Họ sẽ mang về cho công ty mấy chục ngàn/tháng, thậm chí mấy trăm ngàn đô. Khác biệt chỉ là TƯ DUY. Như ví dụ trên, nếu cậu Tèo hay cô Lan cô Tuyết biết thông báo cho ông giám đốc công ty về đơn hàng này, thì có thể ông ấy sẽ chỉ đạo khác. Khổ nỗi ông giám đốc này thuộc thế hệ cũ không biết tiếng Anh, cứ phụ thuộc mấy cô cậu kia. Cứ thấy các cử nhân thạc sĩ này từ sáng đến chiều ôm cái laptop gõ gõ…tưởng là làm việc chăm chỉ lắm, hoá ra chỉ chat chit tào lao. Thấy sếp vô thì giả bộ làm việc tí, còn lại thì dí dỏm hài hước với đồng nghiệp trong văn phòng và bạn bè trên facebook cả ngày, coi tin tức và shopping online cả ngày. Cái gì cũng biết, cũng nói, cũng bình luận, bàn bạc. Chỉ có làm kiếm tiền là không biết.

Nhiều bạn thực tập sinh hay nhân viên thử việc vào vị trí bán hàng, mấy tháng trôi qua vẫn không có đơn hàng nào, bị công ty sa thải thì xõa tóc đứng khóc. Hỏi nguyên nhân thì bạn nói tại công ty có vấn đề. Do ông giám đốc quản lý kém. Do ông chủ keo kiệt. Do bộ phận sản xuất chậm. Do hàng hoá mẫu mã xấu. Do chất lượng kém, không phù hợp. Do thị trường không ai mua. Tại khách hàng hỏi hàng nhưng không gọi lại. Tại em đi tiếp thị họ không tiếp. Tại lối giáo dục lý thuyết không chỉ em cách bán hàng (mọi ĐH hàn lâm trên thế giới không ai dạy kỹ năng, kỹ năng tự tích luỹ qua thực tế làm thêm), vâng vâng và vâng vâng. Mọi nguyên nhân khách quan và do, bởi, tại, vì,…trong khi nguyên nhân duy nhất là DO MÌNH thì bạn không hề đề cập. Hàng xấu thì lao lên có ý kiến, bắt làm lại cho đẹp. Hàng giao chậm thì lao vô, điều khiển bộ phận sản xuất hay logistic, đổi phương thức giao hàng sao cho nhanh. Muốn ý kiến với ông giám đốc thì xin hẹn và vô trình bày, nếu cách sắp xếp của mình hợp lý thì họ sẽ nghe theo. Phải tả xung hữu đột để ra việc chứ ngồi chờ bị động sao được.

Có bạn vô làm, cả tuần giao việc, ghi to-do list ghê gớm, rồi cuối tuần xem báo cáo đã làm được gì, bạn nói “gọi khách không bắt máy, meo khách không trả lời” nên “có gì báo cáo đâu anh”. Khách không bắt máy thì nhắn tin lại do khách sợ số lạ, sau đó mình gọi lại sẽ được. Hoặc meo không trả lời thì gửi lại, re-send miết, bên Mỹ bên Pháp cũng gọi điện qua, hỏi tại sao tao gửi mail báo giá mày không trả lời, why why, pour quoi pour quoi, wei shen me, wei shen me? Mình năng nổ vậy Tây Tàu gì không sợ hãi mà ký HĐ với mình? Nếu ở gần, cùng thành phố, cùng quốc gia thì trực tiếp bắt xe qua gặp, mặc áo dài trang điểm lộng lẫy vun vút lao sang, cười nói vui vẻ, ép họ mua hàng. Hoặc nhờ sếp dẫn đi, nhờ ai đó quen làm, mọi giá phải tiếp xúc để bán chứ sao nói vậy.

Cứ ngồi miết văn phòng với xoài xanh muối ớt và say đắm cái màn hình vi tính, cái Iphone trong túi quần cứ tít tít tin nhắn của bạn bè thì cuối ngày, hỏi team bán hàng, các bạn lại đồng thanh:

“Hôm nay khách lại hai không
Gọi không bắt máy, meo không trả lời”
.

Ngây ngô cứ “hai không” đến cuối tháng, thì trung tâm giới thiệu việc làm thẳng tiến. Hoặc nhắn tin cho mommy “mẹ ơi, con sẽ về với mẹ ngay đây. Không cần đợi đến mùa xuân“.

Đừng như Tèo, đừng như Lan, đừng như Tuyết.

Hãy như Bội. Be like Bội!

You've successfully subscribed to Life at IDTEK | Công ty Cổ phần IDTEK
Great! Next, complete checkout for full access to Life at IDTEK | Công ty Cổ phần IDTEK
Welcome back! You've successfully signed in
Success! Your account is fully activated, you now have access to all content.